Tác động văn hóa Thuật chiêm tinh

Chính trị và xã hội phương Tây

Ở phương Tây, đôi khi các lãnh đạo chính trị tìm đến các chiêm tinh gia xin tư vấn. Ví dụ, Cơ quan tình báo Anh Quốc MI5 đã tuyển dụng Louis de Wohl làm nhà chiêm tinh sau khi có những thông tin cho rằng Adolf Hitler từng dùng chiêm tinh để tính toán những hành động của ông. Văn phòng Chiến tranh "...muốn biết các chiêm tinh gia riêng của Hitler sẽ nói với ông những gì từ tuần này qua tuần khác."[131] Thực tế, những phán đoán của de Wohl sai lệch đến mức ông sớm bị gắn biệt danh là "tên lang băm toàn tập," và bằng chứng sau này cho thấy Hitler xem chiêm tinh là "thứ hoàn toàn vô bổ."[132] Sau vụ ám sát hụt Tống thống Mỹ Ronald Reagan của John Hinckley, Đệ nhất phu nhân Nancy Reagan đã ủy nhiệm chiêm tinh gia Joan Quigley hoạt động dưới vai trò chiêm tinh gia bí mật của Nhà Trắng. Tuy nhiên, tin Quigley mất việc vào năm 1988 được tiết lộ với công chúng thông qua hồi ký của nguyên tổng tham mưu trưởng Donald Regan.[133]

Chiêm tinh học từng trở thành cơn sốt được quan tâm vào cuối thập niên 1960s. Nhà xã hội học Marcello Truzzi miêu tả ba mức độ tham gia của "các tín đồ chiêm tinh" nhằm giải thích cho sự tái phổ biến của nó khi đối mặt với tai tiếng từ giới khoa học. Ông thấy rằng hầu hết các tín đồ chiêm tinh không cho rằng nó là một phép giải thích khoa học với năng lực tiên đoán. Thay vào đó, những người này tham gia một cách hời hợt, "gần như không biết gì" về những 'cơ chế' của chiêm tinh, họ đọc về chiêm tinh trên các cột báo, và có thể được lợi từ "quản lý căng thẳng của nỗi lo âu" và "một hệ thống tín ngưỡng nhận thức vượt ngoài khoa học."[134] Những người ở mức độ hai thường đi xem lá số tử vi rồi tìm kiếm lời khuyên và những dự đoán. Họ trẻ hơn nhiều so với những người ở cấp độ đầu tiên, và có thể hưởng lợi từ hiểu biết về ngôn ngữ chiêm tinh và kết quả là có khả năng thuộc về một nhóm gắn kết và riêng biệt. Những người ở cấp độ ba tham gia với tần suất lớn và thường xem lá số tử vi cho chính họ. Chiêm tinh đem đến bộ phận nhỏ những tín đồ chiêm này một góc nhìn "ý nghĩa về vũ trụ và [giúp] họ hiểu về vị trí của mình trong vũ trụ."[lower-alpha 1] Nhóm thứ ba này xem trọng chiêm tinh một cách nghiêm túc, có thể như một mái che thiêng liêng, trong khi hai nhóm kia xem nó như thú vui và đùa cợt.[134]

Năm 1953, nhà xã hội học Theodor W. Adorno đã tiến hành nghiên cứu về cột chiêm tinh trên một tờ báo của Los Angeles như một phần của dự án nghiên cứu về văn hóa đại chúng trong xã hội tư bản.[135]:326 Adorno tin rằng chiêm tinh học phổ biến giống như một thiết bị luôn luôn dẫn tới những tuyên bố cổ động sự tuân thủ—và các chiêm tinh gia đi ngược với sự tuân thủ ấy bằng cách không khuyến khích hiệu suất làm việc, rủi ro mất việc.[135]:327 Adorno kết luận rằng chiêm tinh là một phép biểu hiện quy mô lớn của thuyết phi lý hệ thống, nơi các cá nhân bị điều khiển một cách tinh vi—thông qua những tổng hợp mơ hồ và tâng bốc—nhằm tin rằng tác giả cột báo đang nói chuyện trực tiếp với họ.[136] Adorno suy ra một phép so sánh tương đương cụm từ thuốc phiện của nhân dân của Karl Marx bằng lời bình: "thuyết huyền bí là lời nói suông của những kẻ ngu dốt."[135]:329

Một cuộc thăm dò của Gallup năm 2005 và khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew năm 2009 cho thấy 25% người trưởng thành ở Mỹ tin vào chiêm tinh.[137][138] Theo dữ liệu được công bố trong nghiên cứu Những chỉ số khoa học và kĩ thuật (2014) của Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF), "Ít người Mỹ bác bỏ chiêm tinh vào năm 2012 hơn so với những năm gần đây."[139] Nghiên cứu của NSF lưu ý rằng vào năm 2012, "hơn nửa số người Mỹ nói rằng chiêm tinh 'hoàn toàn không phải khoa học', trong khi gần hai phần ba dân số đưa ra câu trả lời này vào năm 2010. Tỷ lệ tương đương đã không tụt đến mức này kể từ năm 1983."[139]

Ấn Độ và Nhật Bản

Tỉ lệ sinh (màu xanh) và (tử) của Nhật Bản kể từ năm 1950, trong đó tỉ lệ sinh sụt giảm đột ngột trong năm Bính Ngọ (1966)

Tại Ấn Độ, một tín ngưỡng chiêm tinh đã được hình thành từ lâu đời và trở nên thịnh hành. Nó thường được sử dụng trong đời sống hàng ngày, đặc biệt là trong những vấn đề liên quan đến hôn nhân và sự nghiệp, ngoài ra còn ứng dụng đại trà trong chiêm tinh bầu cử, hàng giờnghiệp.[140][141] Những chính trị gia của Ấn Độ cũng chịu ảnh hưởng bởi chiêm tinh.[142] Nó cũng được xem là một nhánh của đạo Vedanga.[143][144] Năm 2001, các nhà khoa học và chính trị gia của Ấn Độ đã tranh luận và phê phán đề xuất sử dụng tiền của nhà nước để tài trợ cho nghiên cứu về chiêm tinh,[145] làm cho các trường đại học ở Ấn Độ được phép mở các khóa học dạy chiêm tinh Vệ Đà.[146] Tháng 2 năm 2011, Tòa án tối cao Bombay tái khẳng định chỗ đứng của chiêm tinh tại Ấn Độ khi bác bỏ một vụ án thách thức danh nghĩa khoa học của nó.[147]

Tại Nhật Bản, niềm tin mãnh liệt vào chiêm tinh là nguyên nhân làm thay đổi mạnh mẽ tỷ lệ sinh và số ca phá thai trong năm Giáp Ngọ. Những tín đồ tin rằng phụ nữ sinh vào các năm Bính Ngọ sẽ không thể kết hôn và gieo vận rủi cho cha hoặc chồng họ. Năm 1966, số lượng bé tại Nhật Bản giảm hơn 25% do các bậc phụ huynh cố tránh bị kỳ thị vì sinh con gái vào năm Bính Ngọ.[148][149]

Văn học và âm nhạc

Trang tiêu đề vở kịch chiêm The Woman in the Moon của John Lyly vào năm 1597.

Ở thế kỉ 14, hai nhà thơ người Anh John GowerGeoffrey Chaucer đều nhắc đến chiêm tinh trong những tác phẩm của họ, cụ thể là Confessio Amantis của Gower và The Canterbury Tales của Chaucer.[150] Chaucer bình luận chi tiết về chiêm tinh trong tác phẩm Treatise on the Astrolabe, trình bày kiến thức cá nhân của một lĩnh vực (chiêm tinh tư pháp) với một lời giải thích cách tìm cung mọc.[151] Ở thế kỉ 15, những chi tiết liên hệ đến thiên văn học như lối so sánh trở thành "vấn đề nghiễm nhiên" trong văn học Anh.[150]

Trang tiêu đề cuốn Astrologo Fingido của Calderón de la Barca tại Madrid vào năm 1641.

Ở thế kỉ 16, vở kịch The Woman in the Moon (1597) của John Lyly lấy động cơ hoàn toàn từ chiêm tinh học,[152] trong khi Christopher Marlowe mang những chi tiết liên hệ chiêm tinh trong các vở kịch Doctor FaustusTamburlaine (đều vào khoảng năm 1590),[152] còn Sir Philip Sidney nhắc đến chiêm tinh ít nhất 4 lần trong tác phẩm văn học kị sĩ The Countess of Pembroke's Arcadia (khoảng năm 1580).[152] Edmund Spenser sử dụng chiêm tinh cả về mặt tô điểm lẫn quan hệ nhân quả trong thơ của mình, cho thấy "...đây rõ ràng là một niềm thích thú vĩnh cửu trong nghệ thuật, một niềm thích thú được sẻ chia bởi một lượng lớn những nhân vật cùng thời với ông."[152] Tương tự, vở kịch Byron's Conspiracy (1608) của George Chapman sử dụng chiêm tinh là cơ chế nhân quả trong tác phẩm của mình.[153] Quan điểm của William Shakespeare đối với chiêm tinh thì lại mập mờ với những chi tiết liên hệ mâu thuẫn trong những vở kịch như King Lear, Antony and CleopatraRichard II.[153] Shakespeare thân thuộc với chiêm tinh và sử dụng vốn hiểu biết của ông về chiêm tinh trong hầu kết mọi vở kịch mà ông chắp bút,[153] cho thấy về cơ bản thì khán giả thương mại của ông đã quen thuộc với đề tài này.[153] Ngoài nhà hát, bác sĩ kiêm nhà huyền bí học Robert Fludd đã thực hành chiêm tinh giống như bác sĩ lang băm Simon Forman.[153] Ở Anh thời Elizabeth, "Cảm giác thông thường về chiêm tinh ... [là] nó hữu ích nhất trong các ngành khoa học."[153]

Tại Tây Ban Nha vào thế kỉ 17, với vốn hiểu biết tường tận về chiêm tinh, Lope de Vega đã viết ra những vở kịch chế nhạo chiêm tinh. Trong tác phẩm lãng mạn đồng quê La Arcadia (1598), chiêm tinh dẫn đến điều ngớ ngẩn; trong cuốn novela Guzman el Bravo (1624), ông kết luận rằng các vì sao được tạo ra cho con người, chứ không phải con người được tạo ra cho những vì sao.[154] Calderón de la Barca thì viết vở hài kịchAstrologo Fingido (Nhà chiêm tinh giả) vào năm 1641; cốt truyện được nhà viết kịch người Pháp Thomas Corneille vay mượn cho vở hài kịch Feint Astrologue của ông vào nấm.[155]

Tác phẩm âm nhạc nổi tiếng nhất chịu ảnh hưởng của chiêm tinh là vở nhạc giao hưởng The Planets. Được sáng tác bởi nhà soạn nhạc người Anh Gustav Holst (1874–1934) và lần đầu trình diễn vào năm 1918, cốt truyện The Planets dựa trên các biểu tượng chiêm tinh của những hành tinh.[156] Mỗi phần trong tổng số 7 phần của tác phẩm dựa trên một hành tinh khác nhau, dù cho các phần không xếp theo trật tự những hành tinh từ Mặt Trời. Nhà soạn nhạc Colin Matthews thì viết một nhạc phẩm gồm 8 phần có nhan đề Pluto, the Renewer, lần đầu được trình diễn vào năm 2000.[157] Năm 1937, một nhà soạn nhạc người Anh nữa là Constant Lambert chắp bút một vở ballet dựa trên những đề tài chiêm tinh, có tên là Horoscope.[158] Năm 1974, nhà soạn nhạc người New Zealand Edwin Carr viết tác phẩm The Twelve Signs: An Astrological Entertainment cho dàn nhạc không có đàn dây.[159] Camille Paglia thì thừa nhận chiêm tinh có ảnh hưởng trong tác phẩm phê bình văn học Sexual Personae (1990) của cô.[160] Chiêm tinh còn vô cùng nổi bật trong The Luminaries của Eleanor Catton, tác phẩm văn học giành giải Booker 2013.[161]